CƠ SỞ THẨM MỸ "CHUI" CÓ THỂ BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?

    Câu hỏi: Trước đây tôi có nhu cầu về phẫu thuật thẩm mỹ nên có tìm hiểu thông tin của các cơ sở thẩm mỹ trên mạng xã hội Facebook. Thông qua đó, tôi biết được một cơ sở thẩm mỹ. Nhận thấy những thông tin mà người này đăng tải phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của tôi nên tôi đã liên hệ để được thăm khám, tuy nhiên lúc này tôi vẫn chưa quyết định đến. Trong thời gian tiếp tục tìm hiểu thêm về cơ sở thẩm mỹ này, tôi tình cờ biết được thông tin từ những người khách hàng đã đến thăm khám trực tiếp rằng đã từng yêu cầu chủ cơ sở cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan đến lĩnh vực hoạt động hành nghề như chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động… thì người này không cung cấp được, đồng thời có thái độ lấp liếm, che giấu.

    Luật sư cho tôi hỏi, liệu cơ sở thẩm mỹ này có bị xử lý không và bị xử lý như thế nào?

    Trả lời:

    Với câu hỏi của anh/chị, Nhat Binh Law xin được phản hồi như sau:

    Căn cứ Điều 41 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định về nội dung biển hiệu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, theo đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cấp giấy phép hoạt động phải có biển hiệu theo quy định của pháp luật về biển hiệu, không sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ trên biển hiệu và có đủ các thông tin cơ bản sau đây:

    - Tên đầy đủ của cơ sở, số giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

    - Địa chỉ của cơ sở ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; số điện thoại.

    - Thời gian làm việc hằng ngày.

    Trường hợp của anh/chị không nêu rõ là cơ sở thẩm mỹ trên có biển hiệu hay không và có thể hiện đầy đủ những thông tin nêu trên ở trên biển hiệu hay không? Nếu cơ sở không có giấy phép hoạt động, đồng thời không có biển hiệu hoặc biển hiệu không có đầy đủ các thông tin nêu trên thì được coi là cơ sở chui.

    Theo đó, hành vi trên có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm đ khoản 6, điểm c khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

    "Điều 39. Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

    ...

    6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    đ) Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

    7. Hình thức xử phạt bổ sung:

    c) Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a và đ khoản 6 Điều này;

    …”

    Hơn nữa, nếu cơ sở thẩm mỹ nêu trên vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 315 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS) như sau:

    “Điều 315. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác

    1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

    a) Làm chết người;

    b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

    d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

    a) Làm chết 02 người;

    b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

    c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    a) Làm chết 03 người trở lên;

    b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

    c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

    4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

     Căn cứ vào các quy định nêu trên, cơ sở thẩm mỹ chui có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 40 - 50 triệu đồng, đồng thời, còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng. Ngoài ra, trường hợp vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở thẩm mỹ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 315 BLHS.

     

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH

    Nhat Binh Law - NBL
    Địa chỉ:  125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
    Điện thoại:  (+84)28.6658.8181 - 0907.299.951 (Mr. Ls Huỳnh Trung Hiếu)
    Email:  nhatbinhlaw@luatsurienghcm.com
    Website: luatsunhatbinh.com

    Download file

    GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN