Nhận chuyển nhượng nhà, đất của người không có quyền định đoạt tài sản có phải trả lại không?

    Câu hỏi: Tôi xin trình bày sự việc như sau: Ông A và bà B vay của ông C nhưng không lập hợp đồng vay tài sản mà lập hợp đồng chuyển nhượng, ông C hứa khi nào ông A, bà B trả đủ tiền thì sẽ chuyển nhượng lại cho ông A, bà C. Tuy nhiên sau đó ông C tiến hành thủ tục đăng bộ và bán cho tôi. Do tôi nhận thấy giấy tờ đều đã sang tên ông C nên tôi tin tưởng mua chứ tôi không hề biết những giao dịch trước đó. Tôi cũng đã thực hiện thủ tục đăng bộ. Nay ông A, bà B biết được nên đã khởi kiện ông C ra tòa.

    Luật sư cho tôi hỏi tôi có phải trả lại nhà đất đã mua không, trong khi tôi hoàn toàn không biết các giao dịch giữa ông A, bà B và ông C?

    Trả lời:

    Văn phòng luật sư Nhật Bình cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

    Trong trường hợp có căn cứ xác định giữa ông A, bà B và ông C tồn tại giao dịch vay tài sản nhưng lại xác lập hợp đồng chuyển nhượng nhằm che giấu giao dịch vay tài sản thì hợp đồng chuyển nhượng bị vô hiệu theo quy định tại Điều 124 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS). Cụ thể:

    “1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

    2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.”

    Lúc này, giao dịch vay tài sản giữa ông A, bà B và ông C vẫn có hiệu lực pháp luật nếu không thuộc các trường hợp bị vô hiệu theo quy định của luật.

    Hai người chưa kết hôn có được cùng đứng tên trên sổ đỏ không?

    Trong trường hợp tại thời điểm giao dịch có căn cứ thể hiện bạn không có cơ sở để biết việc giao dịch của mình với người không có quyền định đoạt tài sản là ông C. Đồng thời, bạn cũng không có cơ sở để biết đối tượng tài sản giao dịch liên quan đến giao dịch dân sự trước đó bị vô hiệu thì bạn được xem là người thứ ba ngay tình và được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 133 BLDS.

    Điều 133. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu

    2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

    3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.”

    Theo quy định trên, giao dịch dân sự giữa ông A, bà B và ông C cũng đã được đăng ký biến động mang tên ông C. Sau đó, ông C chuyển nhượng cho bạn và bạn cũng đã đăng ký biến động sang tên bạn. Điều này có thể củng cố sự “ngay tình” của bạn khi tham gia giao dịch dân sự bởi bạn căn cứ vào việc đăng ký và xác nhận biến động này để xác lập giao dịch dân sự với ông C.

    Đồng thời, trường hợp nếu giao dịch dân sự giữa bạn với ông C đã thực hiện theo đúng quy định pháp luật, không nhằm trốn tránh bất kỳ nghĩa vụ nào và trên thực tế bạn vẫn đang quản lý, sử dụng cho đến nay thì giao dịch dân sự (giao dịch chuyển nhượng) được xác lập giữa bạn và ông C không bị vô hiệu. Theo đó, ông A và bà B không có quyền đòi lại tài sản từ bạn.

     

    Trên đây là phần giải đáp của Văn phòng Luật sư Nhật Bình, nếu có bất kỳ thắc mắc nào xin vui lòng liên hệ chúng tôi.

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH

    Nhat Binh Law - NBL
    Add    :  125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
    Tel     :  +84-28-6658.8181, Hotline: 0907 299 951 (Mr. Ls Huỳnh Trung Hiếu)
    Email :  nhatbinhlaw@luatsurienghcm.com

    Website: luatsurienghcm.com, luatsunhatbinh.com

     

    Download file

    GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN