Tội giết người và cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người

    Câu hỏi: Cháu tôi năm nay 20 tuổi, tháng trước vì mâu thuẫn nên đã bị anh A là hàng xóm của tôi dùng cây gỗ đánh và cháu tôi cũng dùng cây gỗ để chống trả, vung một cú đánh trúng vào vùng đầu của anh A làm anh A bị thương ở vùng đầu gây chấn thương sọ não, hôn mê sâu và chết sau 1 tuần chữa trị tại bệnh viện, còn cháu tôi thì bị gãy xương sườn. Ngay sau khi anh A gục xuống thì cháu tôi cùng gia đình đã đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Toàn bộ vụ việc được camera an ninh ghi lại. Luật sư cho tôi hỏi cháu tôi phạm tội giết người hay cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người?

    Trả lời:

    Với câu hỏi của anh/chị, Nhat Binh Law xin được giải đáp như sau:

    Trong Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, tội giết người và tội cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người được quy định tại Điều 123 và Điều 134. Cả hai tội danh này đều có điểm chung là xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người khác.

    Tuy nhiên để phân biệt được hai tội danh nêu trên, Nhat Binh Law sẽ làm rõ những điểm khác nhau như sau:

    Thứ nhất, về mục đích của hành vi phạm tội:

    + Tội giết người: Người phạm tội thực hiện hành vi nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân.

    + Tội cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người: Người phạm tội thực hiện hành vi chỉ nhằm mục đích gây tổn hại đến thân thể nạn nhân. Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội.

    Thứ hai, xác định mức độ, cường độ tấn công:

    + Tội giết người: Mức độ tấn công nhanh và liên tục với cường độ tấn công mạnh có thể gây chết người.

    + Tội cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người: Mức độ tấn công yếu hơn và không liên tục dồn dập với cường độ tấn công nhẹ hơn.

    Thứ ba, Vị trí tác động trên cơ thể:

    + Tội giết người: Thường là những vị trí trọng yếu trên cơ thể như vùng đầu, ngực, bụng,...

    + Tội cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người: Thường là những vị trí không gây nguy hiểm chết người như vùng vai, tay, chân, v.v...

    Thứ tư, về vũ khí, hung khí sử dụng và các tác nhân khác: Xác định hung khí, vũ khí sử dụng hoặc các tác nhân khác: Việc xác định vũ khí, hung khí tấn công như súng, dao, gậy… cũng là yếu tố quan trọng nhằm phân biệt hai tội này.

    Thứ năm, về yếu tố lỗi:

    + Tội giết người: Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Trong trường hợp một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra thì được xác định là lỗi cố ý trực tiếp. Trong trường hợp một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra thì được xác định là lỗi cố ý gián tiếp.

    + Tội cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người: Người thực hiện hành vi có lỗi vô ý đối với hậu quả chết người xảy ra. Nghĩa là họ thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được hoặc họ không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Hậu quả chết người xảy ra là vì những thương tích do hành vi của người phạm tội gây ra.

    - Trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích, người phạm tội chỉ mong muốn hoặc bỏ mặc cho hậu quả gây thương tích xảy ra. Còn trường hợp phạm tội giết người chưa đạt là người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra, hậu quả chết người không xảy ra là ngoài ý muốn của họ.

    - Trường hợp người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có khả năng làm chết người mà vẫn có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra muốn sao cũng được, nếu hậu quả là gây thương tích thì định tội cố ý gây thương tích, nếu hậu quả là chết người thì người phạm tội phạm vào tội giết người.

    Từ những phân tích nêu trên và dựa vào những thông tin mà anh/chị cung cấp về hành vi của người cháu 20 tuổi, Nhat Binh Law có quan điểm như sau:

    Đầu tiên, cần phải xét đến yếu tố là người cháu 20 tuổi của anh/chị có năng lực chịu trách nhiệm hình sự hay không? Nếu có, chúng ta sẽ phân tích đến những yếu tố tiếp theo:

    1. Về mục đích của hành vi phạm tội: người cháu của anh/chị sử dụng cây gỗ để chống trả anh A là nhằm mục đích ngăn chặn anh A tiếp tục tấn công nhưng đã quá tay đánh vào đầu anh A gây thương tích nặng dẫn đến tử vong sau 1 tuần chữa trị. Rõ ràng sau khi anh A gục xuống thì người cháu của anh/chị đã đưa anh A đến bệnh viện để chữa trị nên hành vi phạm tội không nhằm mục đích tước đoạt mạng sống của anh A và không mong muốn hậu quả chết người xảy ra.
    2. Về mức độ, cường độ tấn công: người cháu của anh/chị chỉ vung một cái đánh vào vùng đầu của anh A và sau khi anh A gục xuống thì người cháu của anh/chị cũng đã dừng lại và đưa anh A vào bệnh viện. Do đó, mức độ tấn công là yếu, không liên tục, không dồn dập nhưng cường độ tấn công là mạnh vì chỉ một cú đánh nhưng gây chấn thương sọ não.
    3. Về vị trí tác động trên cơ thể: anh A bị đánh vào vùng đầu là vị trí trọng yếu trên cơ thể có thể dẫn đến chết người.
    4. Về về vũ khí, hung khí sử dụng: cháu của anh/chị đã dùng cây gỗ để tấn công anh A nhưng cây gỗ này có được xem là hung khí nguy hiểm hay không thì cần phải có kết quả giám định từ cơ quan điều tra.
    5. Về yếu tố lỗi: người cháu của anh/chị sử dụng cây gỗ là vật cứng, tác động vào đầu của anh A là vị trí trọng yếu trên cơ thể có thể dẫn đến chết người. Người cháu của anh/chị phải thấy trước hoặc có thể thấy trước được hậu quả này nhưng cho rằng hậu quả này không xảy ra mà vẫn thực hiện. Có nghĩa là người cháu của anh/chị phải thấy trước hoặc có thể thấy trước được hành vi dùng cây gỗ tác động vào đầu của anh A có thể gây ra hậu quả chết người nhưng cho rằng hậu quả này sẽ không xảy ra. Hơn nữa, người cháu của anh/chị không mong muốn hậu quả này xảy ra vì sau khi anh A gục xuống thì người cháu của anh/chị cũng đã dừng lại và đưa anh A vào bệnh viện. Do đó, người cháu của anh chị có lỗi vô ý đối với hậu quả anh A chết.

    Do đó, từ những thông tin mà anh/chị cung cấp và những phân tích nêu trên, theo quan điểm của Nhat Binh Law thì người cháu của anh/chị có dấu hiệu của tội “cố ý gây thương tích” mà dẫn đến hậu quả chết người theo điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

    Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

    ...

    4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

     

    1. Làm chết người;

    ...”

    Trên đây là nội dung mang tính chất tuyên truyền pháp luật của Nhat Binh Law để quý khách hàng tham khảo, không phải là nội dung tư vấn nhằm giải quyết các nhu cầu pháp lý cụ thể của từng khách hàng. Do đó, nếu có nhu cầu giải đáp pháp lý cụ thể, quý khách hàng xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ chuyên sâu và chính xác với từng trường hợp của thể của quý khách hàng nhất.

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH

    Nhat Binh Law - NBL

    Add    :  125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM

    Tel     :  +84-28-6658.8181, Hotline: 0907 299 951 (Mr. Ls Huỳnh Trung Hiếu)

    Email :  nhatbinhlaw@luatsurienghcm.com

    Website: https://luatsunhatbinh.com/

     

     

    Download file

    GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN