Có thể đòi lại tài sản đã tặng cho con trong trường hợp nào?

    Câu hỏi: Vào năm 2020, tôi bị bệnh nặng nghĩ không qua khỏi nên có tặng cho 02 con (đều đã trưởng thành) căn nhà đứng tên tôi, có lập hợp đồng tặng cho và đã được cập nhật biến động trên Giấy chứng nhận. Sau khi thời gian tặng cho tôi may mắn vượt qua bạo bệnh nhưng sức khỏe vẫn rất yếu. Con tôi hiện nay 01 đứa thì không hề quan tâm gì đến tôi, 01 đứa thì chăm sóc nhưng thường xuyên chửi bới tôi. Do đó, tôi vô cùng hối hận vì đã tặng cho tài sản cho con của mình.

    Luật sư cho tôi hỏi liệu có cách nào để tôi có thể đòi lại quyền sở hữu căn nhà mà tôi đã tặng cho không?

    Trả lời:

    Với câu hỏi của bác, Nhat Binh Law xin được giải đáp như sau:

    Theo quy định tại Điều 238 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS): “Khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao”.

    Do đó, khi bác đã xác lập hợp đồng tặng cho tài sản của bác cho con theo đúng quy định pháp luật thì quyền sở hữu đối với tài sản của bác chấm dứt kể từ thời điểm đăng ký. Tức lúc này, bác không còn quyền sở hữu đối với căn nhà trên nữa mà được chuyển giao cho 02 con của bác.

    Việc lấy lại tài sản có thể xảy ra trong 02 trường hợp sau:

    1. Trường hợp tặng cho có điều kiện

    Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về tặng cho tài sản có điều kiện như sau:

    Điều 462. Tặng cho tài sản có điều kiện

    1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

    2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

    3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

    Căn cứ theo quy định trên, khi Hợp đồng tặng cho có thể hiện điều kiện tặng cho, ví dụ như: nuôi cha, mẹ và lo thuốc thang khi cha, mẹ đau ốm; khi cha chết thì phải phối hợp với anh, chị, em lo ma chay và mồ mả cho cha, mẹ mình; hàng năm phải lo giỗ chạp ông bà; có trách nhiệm nạp các khoản cho nhà nước theo quy định có liên quan..., nếu không thực hiện bất kỳ điều kiện nào trong các điều kiện trên thì cha, mẹ có quyền đòi lại tài sản.

    Theo đó, chỉ trong trường hợp hợp đồng tặng cho của bác cho 02 con mình có điều kiện tặng cho thì khi con bác không thực hiện nghĩa vụ đúng theo điều kiện tặng cho, bác mới có quyền đòi lại căn nhà.

    2. Hợp đồng tặng cho tài sản bị vô hiệu

    Theo quy định tại Điều 117 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau:

    - Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

    - Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

    - Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

    - Điều kiện về hình thức trong trường hợp luật có quy định.

    Khi hợp đồng nói chung và hợp đồng tặng cho nói riêng vi phạm một trong các điều kiện nói trên sẽ dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu. Theo đó, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trong trường hợp của bác, nếu hợp đồng tặng cho vi phạm một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì sẽ bị vô hiệu, 02 con của bác phải hoàn trả lại quyền sở hữu nhà cho bác.

    Như vậy, đối với trường hợp của bác, chỉ trong trường hợp hợp đồng tặng cho đã ký có quy định điều kiện tặng cho mà các con bác vi phạm các điều kiện đó hoặc trường hợp hợp đồng tặng cho đã ký bị vô hiệu thì bác mới có quyền đòi lại căn nhà đã tặng cho 02 con mình.

    Trên đây là phần giải đáp của Văn phòng Luật sư Nhật Bình, nếu có bất kỳ thắc mắc nào xin vui lòng liên hệ chúng tôi.

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHẬT BÌNH

    Nhat Binh Law - NBL
    Địa chỉ:  125K đường số 14, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM
    Điện thoại:  (+84)28.6658.8181 - 0907.299.951 (Mr. Ls Huỳnh Trung Hiếu)
    Email:  nhatbinhlaw@luatsurienghcm.com 

    Website: luatsunhatbinh.com

    Download file

    GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN