Tham ô tài sản 7 tỷ đồng phải chịu mức án như thế nào?

    Những ngày cuối tháng 05/2019 Luật sư Huỳnh Trung Hiếu (Trưởng Văn phòng luật sư Nhật Bình) đã tham gia bào chữa cho thân chủ là bị cáo QVL trong vụ án “Tham ô tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ án được phát hiện vào năm 2015 liên quan đến Quỹ Xóa đói giảm nghèo của Phường 11, Quận 6, TP.HCM.

    Theo cáo trạng của VKS TP.Hồ Chí Minh thì thân chủ của tôi-bị cáo QVL bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” áp dụng tại điểm a khoản 4, Điều 353 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, đây là khoản cao nhất với khung hình phạt, từ 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.

    Thân chủ QVL nguyên được Phòng LĐTBXH quận 6, TP.HCM tuyển dụng phân công làm cán bộ không chuyên trách XĐGN của Phường 11, Quận 6 từ năm 2000, (trước khi được tuyển dụng bị cáo L chỉ làm nghề thợ may). Sau quá trình phấn đấu công tác thì bị cáo QVL được UBND Phường 11, Quận 6 tuyển dụng làm cán bộ không chuyên trách công tác XĐGN. Từ năm 2012 thì bị cáo QVL là cán bộ chuyên trách giảm nghèo và tăng hộ khá, được Chủ tịch UBND phường 11, quận 6 bổ nhiệm làm Thành viên kiêm kế toán Ban giảm nghèo, tăng hộ khá Phường 11, Quận 6.

    Trong thời gian công tác bị cáo QVL có quen biết và chơi thân với bà HDK (nguyên Phó Phòng LĐTB Quận 6, kiêm Phó ban chuyên trách chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá của Quận 6), bị cáo L từng cho bà HDK vay 15 lượng vàng SJC để mua nhà vào năm 2004. Sau đó, từ khoảng năm 2007 đến năm 2011 thì bị cáo QVL vay tổng cộng 03 tỷ đồng của bà HDK, mỗi tháng bị cáo L phải trả cho bà K tổng cộng số tiền 124.100.000đ trả từ năm 2012 đến hết tháng 06/2015 tổng cộng là: 5.212.200.000đ (theo lời khai và hồ sơ vụ án).

    Ban đầu thì bị cáo QVL cũng lấy số tiền vay này để cho vay lại kiếm tiền chênh lệch, tuy nhiên người vay gặp khó khăn không có tiền trả cho bị cáo L dẫn đến bị cáo phải vay mượn nhiều nơi nhằm trả lại tiền cho bà HDK và những lần vay sau chủ yếu để trả lãi cho kỳ vay trước, đến khi không thể vay mượn ai được nữa cùng với sức ép, sự đe dọa rất khủng khiếp của bà HDK như dọa xuống gặp ông Chủ tịch phường để cho nghỉ việc,...nên bị cáo đã làm khống hồ sơ vay vốn nhằm lấy toàn bộ số tiền này trả của bà HDK.

    Việc vay mượn diễn ra trong thời gian dài, qua tài liệu hồ sơ vụ án và thực tế từ năm 2008 đến khi phát hiện chỉ có một lần kiểm tra, bị cáo tự tin làm hồ sơ khống mà không ai kiểm tra từ cấp phường đến cấp quận? toàn bộ số tiền đã tham ô bị cáo khai nhận là chi trả cho hết cho bà HDK trong suốt thời gian dài. Đồng thời bị cáo khai để làm hồ sơ khống rút tiền quỹ xóa đói giảm nghèo một cách thuận lợi, không ai kiểm tra, xét duyệt mặc dù không theo quy trình, quy định của nhà nước là có sự hỗ trợ, giúp sức hoặc ít nhất là sự “làm ngơ” của bà HDK khi đó là Phó Phòng LĐTBXH, điều này tạo cơ hội cho bị cáo L chiếm đoạt tiền quỹ để chi trả cho khoản vay của bà K.

    Do đó, Cáo trạng truy tố bị cáo QVL chiếm đoạt tổng cộng số tiền 7.390.000.000đ của 267 hồ sơ vay vốn Quỹ XĐGN. Toàn bộ quá trình điều tra bị cáo đã khai nhận, nhưng điều Luật sư rất bâng khuâng là tổng số 267 hồ sơ bị quy kết làm khống và tổng số tiền gần 7,4 tỷ đồng trong giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 11/2015, đây có phải là con số trung thực, chính xác hay không?

    Tại phiên tòa bị cáo khẳng định không làm toàn bộ 267 hồ sơ khống, thực tế nhiều người vay bán nhà, dọn đi nơi khác không trả lại cho quỹ và cũng không loại trừ trường hợp người dân vay thật nhưng khi hay tin vụ án được khởi tố vì hành vi làm giả hồ sơ của bị cáo thì từ chối luôn trách nhiệm trả tiền cho Nhà nước và cũng có thể một số hộ nghèo không biết chữ hoặc biết rất hạn chế nên nhờ bị cáo viết thay do đó, khi tiến hành giám định chữ ký chữ viết chắc chắn cũng sẽ không thể kết luận chính xác và khách quan được. Luật sư cũng đã xét hỏi đại diện Ban Xóa đói giảm nghèo, tăng hộ khá Phường 11, quận 6. Tuy nhiên, đại diện Ban cũng không thể trả lời được số liệu này là chính xác hay không? Thực tế ban chỉ im lặng không đưa ra được câu trả lời? Cho nên Luật sư cho rằng cáo trạng quy kết bị cáo tham ô số tiền 7.390.809.000đ là chưa có cơ sở vững chắc, không thuyết phục.

    Toàn bộ số tiền bị cáo bị quy kết tham ô đều phục vụ trả nợ lãi, gốc cho các khoản vay của bị cáo L với bà HDK, gia đình cũng không hề hay biết việc làm của bị cáo và cũng hoàn toàn không hưởng lợi bất kỳ số tiền nào từ hành vi sai phạm nêu trên của bị cáo.

    Qua đây, chúng ta cũng nhận thấy vai trò của Ban chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo và tăng hộ khá của Ủy ban nhân dân quận 6 là rất thiếu trách nhiệm, vi phạm nguyên tắc khi xét duyệt hồ sơ và giải ngân, không kiểm tra thực tế hộ nghèo đề nghị vay và hậu kiểm sau khi xét duyệt cho vay, từ đó tạo điều kiện cho bị cáo thực hiện việc sai phạm trong thời gian dài.

    Cá nhân Luật sư, từng có dịp gặp và tiếp xúc với bị cáo L trước khi vụ án này xảy ra, cá nhân tôi nhận thấy bị cáo là người có tâm tốt, bản chất lương thiện hay giúp đỡ người nghèo, hiếu nghĩa với cha mẹ và đặc biệt là người mẹ rất tuyệt vời đối với con (trước khi ra tòa bị cáo nhờ tôi chuyển lời cho con trai rằng: Con đừng ra tòa để mẹ được bình tĩnh mà trả lời các câu hỏi của tòa, cũng không muốn con nhìn thấy cảnh này trong cuộc đời...). Thực tế bị cáo nhiều lúc cho vay tiền người nghèo cũng không lấy lãi, tới hạn trả nợ mà hộ nghèo chưa trả được, bà cũng lấy tiền cho mượn trả vào quỹ XĐGN. Mọi việc làm và áp lực đều một mình gánh chịu, khi chuẩn bị có đoàn kiểm tra thì bị cáo nhận ngay trách nhiệm về việc đã lạm dụng quỹ XĐGN với lãnh đạo, không phủ nhận và trốn tránh, hợp tác với cơ quan chức năng.

    Ở góc độ nhất định tôi vẫn cho rằng bị cáo QVL là người có tránh nhiệm với gia đình và công việc của mình nhưng vì thiếu hiểu biết pháp luật bị cáo xuất phát điểm chỉ là thợ may, trình độ học vấn thấp, không được đào tạo chuyên môn, thiếu hiểu biết pháp luật nên khi bị đe dọa cho mất việc làm ảnh hưởng đến uy tín của gia đình mà bị cáo đã lạm dụng nguồn quỹ nhằm chi trả lãi cho bà HDK mà không nhận thức được hành vi của mình vi phạm pháp luật nghiêm trọng chỉ vì mong được yên ổn để tiếp tục công tác. Đây là bài học quá đắt giá, tôi rất tiếc là bị cáo không được tư vấn pháp luật sớm hơn để tránh rơi vào tình cảnh như hôm nay.

    • Trong thời gian công tác từ năm 2000 đến năm 2008 thì bị cáo QVL là người có thành tích xuất sắc trong công việc và đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tặng nhiều bằng khen về công tác xóa đói giảm nghèo của Phường 11, quận 6 nói riêng và TP.HCM nói chung, điều đó cũng chứng tỏ rằng bị cáo có năng lực và trách nhiệm trong công việc, góp công không nhỏ vào chính sách giảm nghèo của thành phố Hồ Chí Minh nói chung và Quận 6 nói riêng.

    • Sau khi phát hiện sai phạm thì bị cáo đã vay mượn bạn bè nhanh chóng nộp cho Ủy ban nhân dân phường 11, quận 6 số tiền 440.556.000đ nhằm khắc phục một phần hậu quả và trước khi xét xử vụ án bị cáo đã tác động gia đình tiếp tục tự nguyện huy động bạn bè, anh chị em ruột thịt gần như toàn bộ tài sản của gia đình và thân hữu nộp tiếp 1.000.000.000đ cho Nhà nước để tiếp tục khắc phục một phần thiệt hại mà bị cáo đã gây ra, như vậy tổng cộng bị cáo đã tự nguyện khắc phục số tiền là: 1.440.556.000đ.

    • Ngoài ra, khi cơ quan điều tra chưa khởi tố vụ án và khởi tố bị can, thì Bị cáo QVL đã chủ động đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 6 đầu thú vào ngày 18/11/2015.

    • Đồng thời quá trình điều tra thì bị cáo L luôn thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tích cực, hợp tác với cơ quan điều tra sớm giải quyết và kết luận vụ án.

    • Xét về nhân thân của Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, hiện nay hoàn cảnh cũng vô cùng khó khăn, bị cáo đã ly dị chồng, không nhà cửa trước khi bị cáo bị bắt thì sống với cha mẹ ruột tại Sóc Trăng, cha tuổi cao sức yếu, bệnh tật triền miên, mẹ thì đang bị tai biến nằm một chỗ, bản thân bị cáo thì bị cao huyết áp, từ khi vào tù đến nay bị cáo vô cùng ăn năn và hối hận về những việc mình đã làm, trước khi được tuyển dụng làm cán bộ XĐGN phường 11, quận 6 thì có gia đình hạnh phúc, khá giả sau khi làm thì gia đình càng rơi vào cảnh khó khăn cùng cực, vợ chồng chia tay, nhà cửa cũng không còn vì những món nợ nặng lãi không lối thoát.

    Từ những phân tích của Luật sư nêu trên, căn cứ theo điểm b, s, t, v khoản 1 và khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, Tôi đề nghị HĐXX xem xét tuyên bị cáo mức án thấp nhất vì bị cáo đã có ít nhất 05 tình tiết giảm nhẹ như đã phân tích và trích dẫn, để bị cáo có cơ hội cải tạo sớm được trở về với gia đình và lao động khắc phục những hậu quả mà bị cáo đã gây ra.

    Hội đồng xét xử đã chấp nhận quan điểm bào chữa của Luật sư và tuyên bị cáo mức án thấp nhất của khung hình phạt là 20 năm tù. Đây là bài học quá đau xót cho bị cáo, mong rằng bị cáo cải tạo thật tốt để tiếp tục hưởng chính sách giảm án, tha tù trước thời hạn để bị cáo có cơ hội đoàn tù sớm cùng với gia đình, người thân.

    Luật sư Huỳnh Trung Hiếu

    Download file

    GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN